PHẠM THẮNG VŨ : Con sóng dữ - KỲ 12
Friday, May 30, 2014
(tiếp theo)
- Nơi đây đã từng là căn cứ của bọn Việt Cộng em à. Anh Tấn nói nhỏ.
Tôi chưa kịp nói với anh Tấn thì tiếng một người nào đó vang lên:
- Ê! Có báo cũ nữa nè mấy cha. Lấy ra mà lót nằm cho nó sạch.
Thì ra ở dưới các hộc bàn có xếp đầy những tờ nhật báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân cũ. Tôi lấy ra vài tờ báo xem thử. Báo cũ thật. Số ra từ ngày 12 tháng 5 năm 1983 lận. Vài người lấy báo đang định trải trên mặt bàn thì ai đó lên tiếng: " Đừng tự ý lấy báo trải lên bàn. Phải hỏi xem họ có cho không đã ". Người khác thì nói: " Báo chữ Việt tụi Khmer này biết cóc gì mà đọc ". Tiếng người khác đáp lại: " Không biết tiếng Việt hả? Thế cha Khmer trên tàu và cha nội vừa rồi nói với mình bằng tiếng gì vậy? Theo tôi, cứ để yên đó rồi hỏi họ trước xem sao, phải không anh Tấn? ". Anh Tấn gật đầu, trả lời:
- Đúng, cứ để yên chỗ. Biết đâu người Khmer để dành báo Việt Nam như một kỷ niệm hữu nghị gì đó của họ. Đang trong tay họ thì mình đừng làm cái gì khiến cho họ ghét.
Vừa lúc, hai người Khmer bước vào, một người trên tay cầm cây đèn dầu khá lớn còn người kia thì tay ôm quả mít chín bốc mùi thơm nồng nặc. Một trong hai gã Khmer nói: " Tôi cho các anh quả mít chín, bây giờ cần ba người cùng đi theo tôi để lấy thức ăn nghe ".
Dũng, thằng Minh và một thanh niên khác liền đi theo hai gã Khmer. Không lâu sau đó, một nồi lớn mì sợi ăn liền đã nấu sẵn còn nóng, bốc hơi thơm lừng được Dũng và thằng Minh khệ nệ xách về. Cậu thanh niên một tay lỉnh kỉnh tô-muỗng, tay kia xách theo một ấm nước nóng. Chúng tôi chia mì ra cho mỗi người một tô khá đầy cùng ăn xong rồi quây quần ngồi bên nhau ăn mít chín. Đây là loại mít ướt khi chín rất mềm chỉ cần dùng tay lay cuống, tách vỏ ra rồi bốc từng múi ăn. Kể từ hôm xuống ghe vượt biên ở Vàm Rầy đến hôm nay chúng tôi mới được ăn trái cây tươi. Sok Sammath từ bên ngoài đi vào nhìn cả bọn chúng tôi đang ăn uống bên nhau, y khẽ mỉm cười. Gã cán bộ hải quân Khmer này có khuôn mặt đẹp trai và nụ cười rất tươi. Hàm răng y trắng đều làm tôi nhớ lại hình quảng cáo anh Bẩy Chà của hiệu kem đánh răng Hynos thời trước. Sok Sammath cho biết từng người chúng tôi sẽ phải làm việc với ban chỉ huy đảo về sự việc đã xẩy ra trong chuyến đi. Y cũng cho biết tối nào cứ đúng 10 giờ thì máy phát điện sẽ ngừng chạy. Do vậy, mọi người nên thu xếp làm các việc gì cần kíp ngay vì khi điện cúp rồi sẽ phải giới hạn chuyện đi lại. Anh Tấn hỏi về các tờ báo cũ thì Sok Sammath nói chúng tôi cứ việc lấy dùng nếu cần rồi y cho biết thêm khi bộ đội Duôn rút khỏi đảo Cô Tan, trại xếp chúng vào các hộc bàn cho gọn chứ cũng chưa biết để làm gì. Rồi y đi đến chỗ cháu Sang ngồi, hỏi thăm ít câu trước khi rời khỏi căn phòng.
Ngày hôm sau, chúng tôi được phát gạo để tự nấu ăn lấy. Cá tươi từ các tàu đánh cá cung cấp cho đảo hàng ngày rất nhiều đến nỗi có lúc chúng tôi ăn không hết, phải đem vất bỏ. Có hôm được cả tôm thẻ, mực ống nữa. Rau tươi ngoài bắp cải, bí đỏ từ đất liền tiếp tế ra thì còn rau muống rau lang cùng bí, bâu... trồng đầy trên đảo. Những ngày kế, lần lượt chúng tôi được gọi đi làm việc thật. Làm việc là khai báo tất cả các sự việc đã xẩy ra. Đến phiên tôi, Sok Sammath hỏi tôi thật kỹ từng chi tiết từ ghe xuất bến tại đâu ở Việt Nam rồi đi bao lâu phải ngừng ở đảo và diễn tiến câu chuyện khi gặp các tàu hải tặc Thái Lan. Y hỏi bằng tiếng Việt, tôi trả lời xong, y ghi biên bản bằng chữ Khmer ngoằn ngoèo như chữ Thái Lan. Vậy mà cũng mất cả mấy tiếng đồng hồ mới xong. Sau khi chấm dứt buổi làm việc, y nói sẽ sắp xếp cho chúng tôi gặp ông lớn người chỉ huy đảo. Anh Tấn, Dũng thì gặp hai người Khmer khác làm việc cũng một cung cách như của Sok Sammath. Ngoài việc nói và nghe tiếng Việt trôi chảy, chúng tôi không biết những người lính Khmer đó có biết đọc biết viết chữ Việt hay không? Có phải họ gốc gác sinh ra từ một làng quê nào ở miền Nam Việt Nam mà người ta thường gọi họ là người Khmer Krom? Những ngày sau nữa, Sok Sammath gọi anh Tấn, tôi và vài người nữa lên gặp ông lớn. Đó là một người Khmer trung niên bụng phệ, có cái đầu hói. Ông lớn có dáng dấp như một thương gia hơn là một cán bộ quân đội. Sok Sammath là người phiên dịch trong buổi gặp. Ông lớn đã lấy ra một xấp hình chụp các con tàu đánh cá Thái Lan cho chúng tôi xem để nhận dạng hai chiếc tàu hải tặc nhưng chúng tôi thấy hầu hết các con tàu trong hình rất giống nhau nên chuyện nhận dạng không thành. Xem kỹ các hình, chúng tôi mới biết tàu đánh cá Thái Lan nào cũng có hàng số bên hông nằm ngay phía gần mũi. Tôi nhớ các tàu hải tặc khi đó đã ranh ma lấy tấm vải che kín số tàu nên chẳng ai thấy được. Manh mối duy nhất là trên tàu hải tặc nhỏ có một người đầu bếp biết tiếng Triều Châu và chỉ vậy thôi. Ông lớn cho biết có khoảng 200 tàu đánh cá Thái Lan trong vùng biển nước Khmer. Nếu chúng tôi biết con số ghi trên thân hai tàu Thái Lan đó thì bằng hệ thống viễn liên, ông sẽ cho gọi các tàu kể trên đến đảo để chúng tôi nhận dạng ngay. Ông cười với chúng tôi, nói:
- Tụi tui cứ nửa tháng một lần cho tàu đi tuần tra các đảo xa. Đều là đảo hoang không có người ở. Các anh biết hôm đó, khi nghe tàu tuần báo cáo trông thấy các đám lửa lớn cầu cứu rồi lại có cả y phục phụ nữ nữa nên tui mới ra lệnh các chiến sĩ vào xem sao và họ đưa các anh về đây. Ngừng một chút ông tiếp: " Vài năm nay có xẩy ra vụ hải tặc nào đâu. Tui rất bực vì nghe chuyện đã xẩy ra trong vùng biển do mình trách nhiệm. Tui sẽ báo cho hải quân Thái Lan về các sự vụ này để mong họ hợp tác, phăng ra được các đầu mối mà giải thoát phụ nữ Duôn các anh ".
Ông lớn cũng nói bập bẹ được chút tiếng Việt và chiếu cố đặc biệt đến cháu Sang. Những ngày sống tại đảo Cô Tan, cháu Sang đã ăn chung bữa ăn với ông lớn. Những người lính Khmer cũng hay cho cháu Sang kẹo bánh hoặc dắt cháu đi chơi đây đó trên đảo. Có lẽ là lính đồn trú xa gia đình xa các người thân nên khi gặp cháu Sang, những lính Khmer ở đây coi cháu như con cái ruột thịt. Tôi nhìn người Khmer với làn da đen tóc quăn mắt trắng dã đầy vẻ man rợ rồi liên tưởng những câu chuyện kể về các vụ tàn sát người Việt mà họ gọi là Cáp Duôn trong các thời kỳ trước đây. Bây giờ, đối chiếu với hành động và thái độ tử tế của những người Khmer ở đây dành cho đám người Việt trong các ngày qua. Rõ là ở nước nào, cũng có người tốt người xấu, kẻ hiền lương thật thà và người cùng hung cực ác.
- Ngay từ lúc đầu trên đảo hoang khi nghe họ nói bằng tiếng Việt thì mình hy vọng sẽ gặp việc lành mà quả thật như vậy. Anh Tấn hỏi thêm tôi và Dũng: " Các cậu biết sao không? Trong lòng có thích nước nào thì mới chịu khó học tiếng nước đó. Tâm lý con người ta là vậy ".
Ở gần một tuần lễ, chúng tôi được phép tự do thong dong đi lại trên đảo trong phạm vi gần doanh trại. Chúng tôi mới biết có hàng trăm cây mít, xoài và dừa được trồng dầy đặc ở trên đảo Cô Tan. Bây giờ thì chưa phải mùa xoài. Còn mít chín lúc nào cũng sẵn. Ai muốn ăn mít thì cứ chịu khó lội trong các hàng cây rồi khi ngửi thấy mùi thơm, lần tới được gốc thể nào cũng hái được quả chín. Có khát nước, muốn uống dừa tươi thì cứ việc trèo lên hái nhưng phải cẩn thận vì cây dừa ở đây thân rất cao. Gần các dãy nhà của ban chỉ huy trại, chúng tôi còn thấy trồng cả cây trà xanh. Từ thói quen uống nước trà tươi của người miền Bắc, tôi nghĩ chắc chắn cán bộ CS Bắc Việt khi đóng quân tại đảo đã trồng chúng. Không biết rõ số lính Khmer đóng ở Cô Tan có bao nhiêu cả thẩy vì quanh quẩn hàng ngày, gặp mặt nhau chỉ khoảng trên dưới 30 người thôi. Nhưng nhìn các dãy nhà cửa trong trại, thấy có nhiều căn nhà bỏ trống và cả trăm cây ăn trái được trồng rồi nhìn bề rộng của các ao rau muống, vườn lang.... Tôi biết khi bộ đội Việt Cộng còn đóng tại đảo, chắc chắn quân số phải rất đông.
Một buổi trưa đang thiu thiu ngủ thì một người lính Khmer đến gọi chúng tôi dậy để ra ngoài cầu tàu gấp. Chúng tôi vội vã theo chân các người lính Khmer ngay. Ra đến cầu tàu, một chiếc tàu hải quân đậu ở đó đang chuyển hàng hóa tiếp liệu cho đảo cùng với các hàng quân sự. Công việc của chúng tôi là vác từng viên đạn đại bác 105 ly được đựng trong các ống giấy cứng tròn nhuộm đen từ tàu hải quân lên nhà kho tuốt trên đỉnh một ngọn đồi. Mỗi người chúng tôi chỉ được phép vác mỗi lần một quả đạn thôi còn các hộp đựng sáu ngòi nổ đầu đạn được lính Khmer vác riêng ra. Hôm đó, cá nhân tôi đã vác cả thẩy 12 viên đạn đại bác 105 ly. Đạn vác lên được cất trong kho một căn nhà hầm. Gần kho chứa đạn, tôi thấy các khẩu đại bác che kín nòng trong các ụ. Lần đi trở xuống đồi, tình cờ mắt tôi thấy khối sắt lớn có hình dáng như chiếc máy bay trực thăng nằm gần một bãi đá. Gặp Sok Sammath trên đường đi, hỏi thì y cho biết đó là xác của một trong các trực thăng Mỹ bị lính PolPot bắn rơi trong một trận chiến giải cứu tù binh tại đây từ khá lâu rồi. Qua lời kể vắn tắt của Sok Sammath, tôi nhớ lại cái tên đảo Cô Tan mà tai đã nghe từ đài BBC, VOA... vào giữa tháng 5 năm 1975 về chuyện một tàu buôn của Hoa Kỳ bị hải quân Khmer Đỏ bắt giữ. Đảo Cô Tan có tên tiếng Anh là Koh Tang. Các thương thuyết ngoại giao về con tin không thành và chính phủ Hoa Kỳ đã phải cho lực lượng biệt kích đổ bộ lên đảo để giải cứu các thương nhân tù binh Mỹ. Cuộc giao tranh đã xẩy ra rồi các thương nhân được cứu thoát nhưng phía Mỹ đã để lại xác các trực thăng và vài mạng lính biệt kích. Thương thuyền đó có tên Mayaguez . Nhìn xác chiếc trực thăng, trí tưởng tôi nghĩ về hình ảnh trận chiến chớp nhoáng trong ngày hôm đó. Tiếng súng nổ... thây người ngã vật... tiếng phành phạch của cánh quạt máy bay trực thăng. Đảo Cô Tan nổi tiếng với thế giới tương tự vụ đột kích giải cứu tù binh phi công của biệt kích Mỹ trong một nhà tù ở Sơn Tây gần Hà Nội năm xưa.
Chuyển xong số đạn pháo, Sok Sammath cho đám chúng tôi hai thùng nước ngọt CoCa Cola, một thùng bánh bisquit và một cây thuốc lá Apshara kèm theo lời nhắn:
- Hai ngày nữa tàu hải quân sẽ chở các anh về cảng Kompong Som.
Họ sẽ chở chúng tôi về cảng Kompong Som bằng chiếc tàu hải quân chở hàng tiếp liệu và vũ khí cho đảo Cô Tan. Khi về đến cảng Kompong Som thì số phần chúng tôi sẽ ra sao? Ai cũng lo lắng, thắc mắc. Anh Tấn bảo: " Kệ cha nó, nghĩ nhiều thêm mệt. Cái gì đến nó sẽ đến. Mình có tính cũng chẳng được ". Ngày kế tiếp, nhiều lính Khmer trên đảo bớt thì giờ của họ để đến thăm cả bọn chúng tôi. Họ mang cà phê, thuốc lá, bánh kẹo và mời chúng tôi cùng ăn cùng hút với họ cho vui. Ông lớn chỉ huy đã lấy máy ảnh ra chụp hình cả nhóm chúng tôi chung với lính trên đảo để giữ làm kỷ niệm. Có lẽ, chuyện chúng tôi ghé vào hòn đảo Cô Tan này là một việc hãn hữu. Dầu gì đi nữa chúng tôi cũng là người ngoại quốc ở trên đất nước họ. Anh Tấn có hỏi về số phận hai người tài công thì Sok Sammath cho biết theo tua tuần tra biển, vài ngày sắp tới sẽ có tàu ghé lại đảo để tìm họ.
- Thật tầm bậy tầm bạ hết sức, mấy người đó bộ khùng điên rồi nên mới ở lỳ lại đảo không ra về theo các anh. Hết thực phẩm thì sẽ chết đói. Chúng tôi cố gắng tìm mang họ về đây. Nhưng về đây rồi, sẽ phải chờ khá lâu nữa mới có tàu từ Kompong Som đi ra. Sok Sammath chắt lưỡi.
(cồn nữa)
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Post a Comment