CHUYỆN XƯA – NAY MỚI NÓI : Hội nghị lý luận phê bình VĂN HỌC – Kỳ 2
Wednesday, June 4, 2014
Hội nghị Tam Đảo – 2003 (tiếp theo)
Tính từ “ tranh luận văn nghệ Việt Bắc 1951” đến nay, hơn nửa thế kỷ mới có một cuộc “toàn quốc” lần thứ 2 như thế này ?
Vì sao phải họp ? Họp những ai và để làm gì ?
Cứ theo như lời Tiến sĩ “hữu nghị” Nguyễn thị Minh Thái phát biểu ở Hội nghị thì :
“Cấp báo, cấp báo, trong 16.000 bài thi văn vào các trường đại học Hà Nội chỉ có …1 bài được điểm 9, còn hàng ngàn bài khác càng đọc càng thấy …rùng rợn”.
Quảrùng rợn thật. Một bài thi phân tích câu “ sông dài, trời rộng, bến cô liêu”, có thí sinh tán rằng :
” Ở cái bến sông kia, có một cô gái tên Liêu theo trai, chửa hoang, bị cho rớt “cái bịch”, phải tự tử. Từ đó người ta đặt tên bến sông đó là…bến cô Liêu…”.
Hại thay cái kiểu “tư duy phân tích bến cô Liêu” như vậy lại phổ biến, rất phổ biến mới chết chớ.
Vậy thì Hội nghị LLBP VH toàn quốc nhằm nâng cao kiến thức văn học cho học sinh ?
Không hẳn thế, bởi nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đăng đàn nói rằng:
” Chúng ta đang ở trên núi cao, càng cao không khí càng loãng, càng có dịp cho chúng ta nhìn lại chính mình…”.
Vậy là Hội nghị sẽ kiểm điểm các quý vị có dính dáng tới “lý luận phê bình ?
Cũng không phải nốt, thôi thì đành nghe theo Ban tổ chức :
” Hội nghị này nhằm tổng kết đánh giá những thành tích, ưu khuyết điểm trong chặng đường vừa qua của ngành LLPB VH, từ đó thúc đẩy những bước mới đi lên đầy hứa hẹn…”
Câu văn này có thể dùng làm “câu mẫu” cho tất cả các Ban tổ chức các Hội nghị cấp toàn quốc từ Hội nghị xoá nạn mù chữ, Hội nghị chống muỗi sốt rét…cho tới Hội nghị nuôi trồng thuỷ sản , Hội nghị xây dựng gia đình văn hoá mới ở tổ dân phố….
Vậy thì đành phải hiểu là từ trên núi cao, quý vị đại biểu sẽ dễ dàng nhìn xuống bức dư đồ rách của nền văn học Việt Nam, đặc biệt là vùng chuyên canh “ lý luận và phê bình”.
Thành phần hội nghị đương nhiên gồm các quan chức Hội nhà văn, Ban văn hoá tư tưởng, các lãnh tụ văn nghề đã về hưu, các nhà phê bình lão thành và các nhà phê bình thế hệ chống Pháp, chống Mỹ và chống tàu, con số đại biểu phải lên trên 200, kín hết các khách sạn ở Tam Đảo, ấy thế mà “nhà phê bình đá lộn sân”, thi sĩ Trần Mạnh Hảo lại la hoảng rằng :
"Nền văn học đương đại VN sắp 'mồ côi' phê bình. Bởi trên văn đàn 10 năm qua, số người dám cả gan mon men làm cái việc 'mua dây buộc mình' nhiều lắm cũng không qua khỏi cơ số đếm của 2 ngón tay" “.
Nói như ông Trần Mạnh Hảo vậy tức là “nhà phê bình là bố các nhà văn” và các nhà văn sắp mồ côi…bố cả rồi, nguy thay, nguy thay.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo , dường như chưa hết tơ lơ mơ vì bia Tiger, lại phân vân theo kiểu “ta hay sư, sư hay ta” khi ông cố nghĩ coi nhà phê bình văn học là cái thứ gì ? Ong phát biểu :
"Theo từ điển Hán Việt, chữ "phê" trong "phê bình" mang khá nhiều nghĩa: phê là "phán quyết, phân xử phải trái"; phê là "khởi lên một công việc"; là "chẻ ra từng mảnh", nhưng phê cũng có nghĩa là "lấy tay đánh vào mặt người khác". Thế nhưng tôi có cảm giác phê bình văn học VN gần đây có vẻ thiên về ý nghĩa "lấy tay đánh vào mặt người khác".
Thì ra ông nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tưởng là say, hoá tỉnh nhất. Chỉ có điều không phải “phê bình văn học VN gần đây” mà ngay từ thủa lọt lòng, mới ngoe ngoe trong trong tã lót, phê bình văn học VN đã thiên về “ lấy tay đánh vào mặt người khác rồi”.
Thôi thì bỏ qua vụ nhà thơ Nguyễn Đình Thi bị “đánh” về tội “làm thơ khó hiểu với công nông” từ năm Hội nhà văn VN chưa lọt lòng, sau năm 1954 Đảng chính phủ vừa về tiếp quản Hà Nội, đã nổ ra vụ Nhân văn Giai phẩm, điển hình về việc chẳng những “lấy tay đánh vào mặt” mà còn cầm gạch củ đậu mà choang vào nồi cơm của người ta, đẩy người ta tới chỗ cải tạo tù đầy.
Đó là chiến thắng mở đầu, giòn giã của “phê bình văn học VN”, từ đó hàng loạt các vụ “ trùm chăn đánh người giữa chợ “ cứ liên tục nổ ra cho tới tận bây giờ cũng chưa hết. Hàng loạt người bị “đánh vào mặt”, tiêu biểu như Hà Minh Tuân với tiểu thuyết “Vào đời” dám mô tả cái đòn gánh trên vai cô gái Hà Nội tập lao động “quẫy lên như con rắn”, Nguyễn Công Hoan với “Đống rác cũ”, Nguyễn Đình Thi với “Con nai đen”, Kim Lân với “Con chó xấu xí”….Các bậc cao nhiên thì thế, còn “cây bút trẻ” hồi đó “bị đánh vào mặt “ lại càng đông hơn nữa . Vũ Thư Hiên với “Đêm không ngủ”, Hoàng Tiến với “Sương tan”, Phạm Tiến Duật với “ Vòng trắng”, Lê Bầu với “ Hòn đá lang thang”, Nguyễn Đỗ Phú với “ Đêm đợi tàu”, Hoàng Cát với “ Cây táo ông Lành” vân vân và vân vân…
Vì sao các nhà phê bình văn học VN lại thích đánh vào mặt người khác như thế ?
Như nhà phê bình văn học số 1 Việt Nam, Hoài Thanh :
“Nửa đời vị nghệ thuật
Nửa đời còn lại vị …người cấp trên…”
Đúng như thế, “đánh vào mặt người ta” chẳng qua các nhà phê bình văn học VN là “vì người cấp trên “ cả thôi.
Nhớ ngày xưa, nghe xì xầm nhà văn Vũ Trọng Phụng có móc máy một ông ký ga nào đó, hại thay, bố đồng chí Hoàng văn Hoan, Uỷ viên Bộ chính trị thời đó cũng là …ký ga.
Thế là trong cuộc họp phê phán Vũ Trọng Phụng, các nhà phê bình xúm lại “đánh vào mặt ông”, vu cho ông là trốt kít, là đệ tử của Freud, một cuộc họp đầy đủ các “gương mặt lớn” trong làng văn VN , vậy mà, như lời kể của nhà phê bình Như Phong kể lại, “Không ai, không một ai dám lên tiếng bênh vực Vũ Trọng Phụng lấy nửa câu…”.
Tại sao ? Tại sao tất cả những cây đa cây đề trong nền văn học VN hồi đó như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Xuân Diệu, Chế Lan Viên , Kim Lân….lại “vì người cấp trên” như vậy ?
Bởi lẽ “người cấp trên” là người nắm giữ, ban phát đủ các thứ bổng lộc lớn bé trên đời. Chẳng thế mà sau vụ Nhân văn Giai Phẩm, vụ Hà Minh Tuân, khối anh vô tài bất tướng đã nhảy phắt lên các thứ ghế Viện trưởng, Trưởng khoa, giáo sư này nọ như Hoàng Xuân Nhị,Vũ Đức Phúc, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức vân vân. Hoàng Xuân Nhị,
Tiến thân bằng con đường “ đánh vào mặt người khác” ngày nay được các thế hệ đi sau noi theo, sốt sắng, hăng say không thua gì các bậc cha anh.
“Nhà phê bình văn học” Nguyễn văn Lưu từ một anh thợ morrasse nhảy phắt lên ghế Gíam đốc NXB Văn Học, bằng cách “đánh” quyết liệt “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương ,với “tác phẩm” được giải thưởng Hội nhà văn với cái tựa thật sắt máu :“ Luận chiến văn chương ”, quan chức Hội nhà văn VN Lê Quang Trang cũng mở đầu “sự nghiệp” bằng viết bài trên báo Nhân Dân “đánh vào mặt” tiểu thuyết “ Lửa lạnh” của Nhật Tuấn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chân ướt chân ráo vào nghề cũng “đánh vào mặt” cuốn “Niềm vui trần thế”, tiểu thuyết của Nhật Tuấn….Rồi thì các nhà báo văn hoá văn nghệ choai choai nghe ngóng có “vụ việc” gì là xúm vào đánh hôi để “lấy lòng cấp trên” mà ăn bổng lộc.
Than ôi, cái bức tranh của nền phê bình văn học Việt Nam nó sậm màu “đầu rơi , máu chảy” như thế mà đã leo lên tận núi cao Tam Đảo, hơn 200 quý vị đại biểu Hội nghị LLPB VH toàn quốc cũng chẳng dám mở to mắt ra mà nhìn mà chỉ dám nói năng luanh quanh như “kiến bò miệng chén”.
Nào là “là trình độ và năng lực cảm thụ tác phẩm của các nhà phê bình còn rất yếu, nhất là đối với thơ. Mặt khác, phê bình cũng bị coi nhẹ hơn sáng tác. Bằng chứng là các giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn, của Uỷ ban văn học nghệ thuật... thường ít chú ý tới các tác phẩm phê bình…” (Trịnh Thanh Sơn).
Nào là “ phê bình văn học phải là người bạn lớn của sáng tác” ( Nguyễn Trọng Tạo).
Nào là “phê bình hay lý luận gì cũng phải có ích…” ( Bùi Bình Thi) vân vân và vân vân. Tóm lại, toàn những lời lẽ “tát nước theo mưa’ để nhận phong bì và kỳ họp sau còn được…mời nữa.
Về phía Hội nhà văn VN, người đứng ra tổ chức Hội nghị, tất nhiên đã tổng kết Hội nghị theo cái cách “biết rồi khổ lắm” : Hội nghị đã thành công tốt đẹp”.
Chẳng biết trong hơn 200 nhà “phê bình lý luận”, lúc ra về, có ai nghĩ rằng rồi sẽ tới một lúc nào đó, họ – những nhà phê bình văn học VN sẽ phải sám hốitrước “những linh hồn chết” mà họ đã “ăn theo”, đã “đánh thẳng vào mặt”.
N.T.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Post a Comment